Chân Tín – Thiết Nguyện – Niệm A Di Đà Phật – Cầu Sanh Tịnh Độ

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Chư Phật Thế Tôn
chỉ vì một đại sự nhân duyên
mà thị hiện xuất hiện trong đời,
là đem tri kiến Phật chỉ bày,
giác ngộ chúng sanh.

Thiện Đạo Đại Sư
đệ nhị đại Tổ sư của Tịnh tông
và cũng là A Di Đà Phật tái lai.
Ngài có hai câu danh ngôn nói rằng:
(Sở dĩ đức Như Lai xuất hiện trong thế gian
chỉ vì muốn nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà)

Như Lai sở dĩ hưng xuất thế,
duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải

Lời Dạy
Của Lão Hòa Thượng
Thượng Tịnh Hạ Không

Trích Đoạn

Thiện Đạo Đại sư vân: “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải. Thị Phật thuyết đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác kinh, thực vi chư Phật Như Lai phổ độ pháp giới nhất thiết tội khổ chúng sanh, bình đẳng thành Phật chi đệ nhất pháp môn dã. Thị vưu ưng tri chi giả dã.”

Đại sư Thiện Đạo là người thời triều Đường. Ở trong “Truyện ký” nói ngài là Phật A-Di-Đà tái lai, Di Đà hóa thân. Nếu như nói Di Đà hóa thân, lời nói này chính là Phật A-Di-Đà tự mình nói. Làm gì có sai lầm được? Ngài nói là: “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế.” Ở chỗ này nói Như Lai, ý nghĩa là nói Như Lai ở trong tất cả cõi nước chư Phật 10 phương, không phải chỉ một vị Phật. Toàn bộ tất cả chư Phật, tại sao các ngài phải xuất hiện vào thế gian, cũng chính là tại sao phải ứng hóa vào trong thế gian? Là vì tất cả chúng sanh giảng kinh thuyết pháp. Cái ý nghĩa này tôi nghĩ các đồng tu đại đa số đều biết. Phật xuất hiện ở thế gian là để độ chúng sanh. Độ chúng sanh phải dùng phương pháp gì vậy? Phương pháp duy nhất. Chính là vì tất cả chúng sanh tuyên thuyết bổn nguyện Di Đà. Hải cái chữ này là thí dụ. Bổn nguyện của Di Đà sâu rộng vô hạn. Cho nên thí dụ thành biển lớn. Từ đó cho thấy, tất cả chư Phật độ chúng sanh thành Phật đạo, quả thật sự mà nói, chính là một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này. “Kinh Vô Lượng Thọ” là kinh đứng đầu độ chúng sanh thành Phật đạo của tất cả chư Phật. Tại sao Phật lại nói biết bao nhiêu kinh điển, nhiều đến như vậy? Nói nhiều kinh như vậy là bởi vì cái pháp môn này nói với họ, họ không thể tiếp nhận, họ không thể tin. Thế là dùng vô lượng vô biên pháp môn để làm phương tiện, để làm hướng dẫn. Hướng dẫn tất cả chúng sanh cùng về biển nguyện Di Đà. Cho nên cổ đức nói, ngàn kinh vạn luận, đâu đâu cũng chỉ về. Về đâu vậy? Quy về biển nguyện Di Đà. Vậy mới biết pháp môn Tịnh tông thật sự bất khả tư nghì, cho nên tất cả chư Phật Như Lai tán thán Phật A-Di-Đà là: “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” đây là Thế Tôn ở trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói với chúng ta. Chúng ta ngày nay quy y, quy y người nào vậy? Đương nhiên là Phật A-Di-Đà. Điều chúng ta muốn là làm đệ tử Di Đà, đây là điều mà quý vị đồng tu nhất định phải biết. Bạn quy y vị nào? Tôi quy y vị pháp sư nào đó, là vô nghĩa. Bạn hỏi tôi quy y vị nào? Tôi quy y Phật A-Di-Đà. Tôi hướng dẫn các bạn, thảy đều là quy y Phật A-Di-Đà, các bạn không phải quy y tôi. Quy y tôi là bạn sai rồi, cái phiền não đó lớn rồi! Chúng ta là quy y Phật A-Di-Đà, chúng ta tất cả đều là đệ tử Di Đà.

Hai câu nói này rất nổi tiếng, là do Thiện Đạo đại sư nói. Nói biển nguyện Di Đà chính là nói “Kinh Vô Lượng Thọ”. Mà “Kinh Vô Lượng Thọ” mãi cho đến cái thời đại này của chúng ta, lão cư sĩ Hạ Liên Cư vì chúng ta hội tập lại một lần nữa, đây đích thực là phiên bản đã làm đến tận thiện tận mỹ, điều này vô cùng không dễ dàng. Bộ kinh này từ lúc hội tập ra lưu thông đến ngày nay, cũng chỉ là nửa thế kỷ. Thời gian 50 năm, không xem là quá xa. Chúng ta người của thời đại này rất khổ, so với người của bất kỳ thời đại nào cũng đều khổ. Chư Phật Bồ-tát đặc biệt bi tâm, vì chúng ta tuyển chọn một bộ kinh điển hay như vậy, khiến chúng sanh thời kỳ mạt pháp, mãi cho đến 100 năm sau khi Phật pháp diệt hết, thì bộ kinh này vẫn tồn tại ở thế gian, độ vô lượng chúng sanh. Chỉ cần có duyên gặp được bộ kinh này, có thể sinh tâm hoan hỷ, tin được, nguyện được, họ quyết định sẽ được độ. Quả thật sự chư Phật Như Lai. Nói chư Phật Như Lai là bao gồm cả bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta, phổ độ tất cả chúng sanh tội khổ trong pháp giới. Tất cả chúng sanh tội khổ đều có thể ở trong một đời được độ. Cái thiện căn, phước đức đó đầy đủ, chẳng phải sẽ càng dễ được độ hơn sao. Chỗ này nói chúng sanh tội khổ, là nói tạo tác ngũ nghịch thập ác. Nếu như không thể gặp được cái pháp môn này, thì họ trong đời này quyết định đọa địa ngục. Người tội nghiệp sâu nặng như vậy, gặp được cái pháp môn này, trong đời này đều có thể được độ. Không những có thể được độ, mà còn bình đẳng thành Phật. Đây là thật sự không thể nghĩ bàn, thật sự là pháp môn khó tin. Bạn nói chúng sanh địa ngục được độ, còn có người có thể tin được, chứ chúng sanh địa ngục thành Phật thì người tin là quá ít có rồi, dứt khoát không thể khiến người ta tin được. Cho nên cái pháp môn này là pháp môn đứng đầu khiến tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật. Chúng ta có thể đem nó nhận thức rõ ràng, thật sự biết rồi, hiểu rõ rồi, đây chính là đại phước đức, cái phước đức nhân duyên này là không thể nghĩ bàn.


Điều kiện của vãng sanh, chỉ cần đầy đủ 3 điều kiện; tín, nguyện, hạnh là thành công. Phải thật sự tin tưởng, một mảy may hoài nghi cũng không có, phải có nguyện vọng khẩn thiết, hy vọng sanh về thế giới Cực-lạc, hy vọng gặp Phật A-Di-Đà. “Tín và nguyện, Ngẫu Ích đại sư nói rất hay, là điều kiện quyết định chúng ta có thể vãng sanh hay không.” Hạnh là nói niệm Phật, chuyên niệm Phật A-Di-Đà, ngoài A-Di-Đà Phật ra đều không được niệm. Bạn nên biết, bạn niệm những cái khác đều là niệm lục đạo luân hồi. Tất cả ý niệm đều vứt bỏ, đều buông xả rồi, chính là đem luân hồi buông xả, đem lục đạo buông xả, nhất tâm chuyên niệm Phật A-Di-Đà cầu sanh Tịnh độ, đây gọi là hạnh. Ngẫu Ích đại sư nói với chúng ta, sanh về thế giới tây phương Cực-lạc, phẩm vị cao thấp, quyết định bởi công phu niệm Phật sâu hay cạn. Quý vị chú ý đến chữ sâu cạn, không phải nhiều ít. Niệm Phật niệm nhiều đi nữa không chắc là công phu sâu, niệm Phật niệm ít đi nữa không chắc là công phu cạn. Sâu cạn là nói từ chỗ nào vậy? Là nói từ trên phục phiền não. Hay nói cách khác, người niệm Phật phiền não nhẹ, trí tuệ tăng, tâm địa thanh tịnh, đây gọi là công phu. Nếu như họ mỗi ngày niệm Phật hiệu nhiều, niệm 10 vạn tiếng Phật hiệu, mà vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của họ vẫn rất nặng, cái này không có tác dụng, tuy niệm mà không có công phu. Quý vị nên biết, điều kiện của vãng sanh, tuy nói là tín, nguyện, hạnh, tín nguyện hạnh phải có công phu mới có thể vãng sanh. Tín, nguyện, hạnh không có công phu thì không thể vãng sanh, cái công phu này chính là tâm thanh tịnh. Tâm càng thanh tịnh thì phẩm vị vãng sanh sẽ càng cao: Tâm tịnh tắc Phật độ tịnh, phải biết cái đạo lý này.


Trì giới là tự mình trì giới, không liên quan gì đến người khác, điểm này nhất định phải hiểu rõ. Bản thân ta trì giới rất tốt, người khác không trì giới, phạm giới trầm trọng, phá giới trầm trọng, ta nhìn thấy trong tâm rất khó chịu, cái này không có tác dụng. Trong tâm bạn khởi phiền não rồi, bạn còn có thể đắc định sao? Do giới được định, bạn còn có thể đắc định sao? Tự mình trì giới, không nên quan tâm người khác. Đại sư Huệ Năng nói rất hay: “Nếu người thật tu đạo, không thấy lỗi thế gian.” Người khác không liên quan gì đến ta, ta trì giới là để cho tâm ta thanh tịnh. Mục đích của trì giới là đắc định, mục đích của đắc định là khai tuệ, cần đem mục đích làm rõ ràng, cái tam học này là như pháp. Hiện nay chúng ta nhìn thấy người giữ giới tinh nghiêm, bạn tiếp xúc thật kỹ, cảm thấy không như pháp. Họ giới luật không tệ, là giữ rất tốt. Nhưng mà rất hay nóng giận, cống cao ngã mạn, coi thường người khác, cho rằng mình giới luật tinh nghiêm, người khác đều phạm giới, phá giới coi thường người khác. Họ không trì giới còn được, đối với người còn có lòng tôn kính, vừa trì giới liền đối với người không có lòng tôn kính, cái này không như pháp, cái này không thể đắc định, không thể khai tuệ. Cái giới mà họ trì đó là phước báo hữu lậu ở trong lục đạo. Nếu như tâm đố kỵ, sân hận nặng, họ giới luật rất nghiêm, tương lai vãng sanh về đâu vậy? Sanh vào trong A-tu-la rồi. Nghiệp nhân của A-tu-la chính là như vậy. Trì giới là có phước, cống cao ngã mạn đọa vào cõi A-tu-la, do tạo nghiệp này mà đi rồi.


“Kiến tánh viên minh, hữu như viên kính” Viên kính là tỉ dụ. Hồ lai hồ hiện, hán lai hán hiện, sơ vô dung tâm.” Chư Phật Bồ-tát dụng tâm quả thật giống như tấm gương vậy, quyết định không có phân biệt, chấp trước. Hồ là người nước ngoài, Trung Quốc vào thời xưa gọi người nước ngoài là người Hồ. Người nước ngoài soi gương, thì trong gương hiện khuôn mặt của người nước ngoài. Hán là người Trung Quốc. Người Trung Quốc soi gương, thì trong gương đó hiện khuôn mặt của người Trung Quốc. Bất kể là người Hồ, hay người Hán soi gương, gương cũng không có phân biệt, không có chấp trước. Cái ý này là chư Phật Bồ-tát dụng tâm giống như chiếc gương soi vậy. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, họ soi rất rõ ràng, là giống như một tấm gương vậy, tuyệt đối không có phân biệt, chấp trước. Phàm phu chúng ta dụng tâm đã dụng tâm sai rồi. Chúng ta cũng soi, nhưng mà soi thấy, họ liền khởi phân biệt, cái này ưa thích, cái kia chán ghét, họ liền sinh phiền não, họ sinh cái thứ này. Chúng ta cái gương này, gương tâm soi bên ngoài sinh phiền não. Gương tâm của chư Phật Bồ-tát soi bên ngoài sinh trí tuệ. Quý vị nên biết, sinh phiền não thì không sinh trí tuệ, sinh trí tuệ thì không sinh phiền não. Tại sao lại sinh phiền não vậy? Bởi vì bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tại sao họ sinh trí tuệ vậy? Họ không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cái đạo lý khác biệt này nhất định phải làm cho rõ ràng. Chúng ta 6 căn tiếp xúc cảnh giới 6 trần, nhất định phải nhớ kỹ lời giáo huấn trong kinh: “Ngoài không dính tướng”, bất thủ ư tướng, ngoài không dính tướng. Không dính tướng chính là không phân biệt. “Trong không động tâm”. Không động là sao? Không khởi tâm yêu ghét, tâm của bạn liền thanh tịnh, tâm liền bình đẳng. Thanh tịnh, bình đẳng chính là tâm giác. Giác chính là trí tuệ, sinh trí tuệ. “Chánh sở vị bất hữu nhi hữu, hữu nhi bất hữu dã.” Hai câu nói này đã nói rõ chân tướng của sự thật. 6 căn của Phật tiếp xúc cảnh giới 6 trần như vậy, chúng ta có người nào 6 căn tiếp xúc cảnh giới 6 trần không như vậy chứ? Lỗi lầm là sinh ra ở khởi vọng tưởng, suốt ngày cứ nghĩ ngợi lung tung, đây là gốc bệnh của chúng ta, vô lượng kiếp đến nay tạo sanh tử luân hồi ở trong lục đạo, nguyên nhân căn bản chính là nghĩ ngợi lung tung. Vọng tưởng đã trở thành thói quen rồi, muốn không nghĩ vẫn không được, muốn đoạn không đoạn được, cái phiền phức này lớn thật sự. Người hơi có chút tìm hiểu đến nghĩa kinh, đều biết cái sự việc này, nhưng mà không biết phải làm sao. Ngay cả học Phật cũng khởi vọng tưởng. Vậy mới biết bệnh của chúng ta quá nặng, quá nặng rồi. Cho nên Phật dạy chúng ta, bạn đem vọng tưởng thay đổi thành A-Di-Đà Phật, đây thật sự là một phương pháp vô cùng hay, phương pháp vô cùng có hiệu quả. Ta từ sáng đến tối nghĩ cái gì vậy? Nghĩ A-Di-Đà Phật. Nhưng mà ta rất muốn nghĩ A-Di-Đà Phật, nhưng mà nghĩ không được, cái ý nghĩ này thường hay bị những vọng niệm khác cắt đứt, cái sự việc này phiền phức rồi. Vì thế cần phải có người nhắc nhở bạn. Giả sử thật sự có một người suốt ngày lẩm bẩm: “Bạn phải nghĩ A-Di-Đà Phật”, bạn nghe thấy cái này quá lộn xộn, quá chán ghét rồi, bạn lại chịu không nổi. Cho nên hiện nay chúng ta dùng phương pháp gì vậy? Thờ tượng Phật, thờ một bức tượng Phật A-Di-Đà, vừa nhìn thấy ta liền nghĩ đến Phật A-Di-Đà. Hiện nay lại có máy niệm Phật, nghe thấy Phật hiệu, A-Di-Đà Phật đề khởi lên được rồi, đây là phương pháp hay. Chúng sanh của thế giới ta-bà nhĩ căn là lợi nhất, cho nên máy niệm Phật là vô cùng hữu hiệu. Nếu như người ở trong nhà của bạn không phiền chán thì máy niệm Phật cần nên một ngày 24 giờ không được gián đoạn, Phật hiệu không được gián đoạn, từng giây từng phút nhắc nhở mình, không nghĩ Phật liền nghĩ ngợi lung tung, liền tạo lục đạo luân hồi, cái sự việc này vô cùng, vô cùng đáng sợ.


“Đương tri thần thông bất khả chấp”. Đây là Phật ở trong kinh thường hay chỉ dạy học trò, nhưng người thế gian thường hay ưa thích thần thông, ưa thích cảm ứng, cái này hỏng việc. Chúng ta thấy bao nhiêu người học Phật ma nhập rồi. Cửa Phật chúng ta gọi là ma nhập, ở trong y học thế gian gọi là tâm thần phân liệt, điên khùng rồi, chúng ta nói đây là bệnh tâm thần. Học Phật tại sao học thành ra kiểu như vậy? Ưa thích thần thông, chấp trước thần thông, tạo ra cái thứ này. Cái này hại người, thần thông không được chấp. “Chấp chi, khinh tắc mại lộng sanh hại, trọng tắc trước ma phát cuồng.” Đây là điều chúng ta nhìn thấy hiện nay, ở trong nước, ở ngoài nước, hiện nay cái hiện tượng này vô cùng phổ biến. Có không ít người được nhận nền giáo dục cao cấp, cầm được học vị tiến sĩ, học vị thạc sĩ. Phát tâm học Phật rất hiếm có, học chưa đến nửa năm, một năm đã phát bệnh tâm thần rồi, đi nằm bệnh viện tâm thần rồi. Bạn đi truy tìm nguyên nhân của nó, đều là ưa thích thần thông, thích cảm ứng. Không biết đây chính là nhân duyên của ma nhập. Người niệm Phật chân chánh, không cầu thần thông, không mong cảm ứng, thành thật niệm là đúng rồi. Không những không mong thần thông, cảm ứng, ngay cả nhất tâm bất loạn cũng không cầu. Thấy Phật, thấy tướng lành, thấy hoa sen, loại ý nghĩ này đều không nên có. Có cái ý nghĩ này đều rất dễ dàng bị ma nhập. Thỉnh thoảng nhìn thấy, nhìn thấy cũng xem giống như chưa nhìn thấy vậy. Không nên nhìn thấy rồi bèn tự cho là tài giỏi, đem khoe khoang với người khác, đây đều là nguyên nhân dễ bị ma nhập. Nên biết đó là ma đến chướng đạo của bạn, ma muốn đến phá hoại bạn, hiện loại cảnh giới này để cám dỗ bạn. Sự việc này, trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói vô cùng tường tận. “Kinh Lăng Nghiêm” ở 3 quyển cuối cùng, Phật vì chúng ta nói ra 50 loại ấm ma. Cảnh giới ma nếu như bạn không có năng lực biện biệt, bạn sẽ xem nó là cảnh giới Phật. Thực ra nó là cảnh giới ma, tuyệt đối không phải cảnh giới Phật. Cho nên người không có trí tuệ, người không thành thật, thường hay bị mắc lừa. Đây là điều không thể không biết. Những điều này, chỗ này nói không sai: “Căng kỳ hiếu dị, nhân chi hằng tình”. Trong nước ngoài nước đều không ngoại lệ, gọi là thích điều kỳ quái, là vô cùng có hứng thú đối với những chuyện rất kỳ quái này, cản cũng không thể cản được, cái này đều là nhân duyên của ma nhập. “Thảng đại chúng khán trọng thử đẳng sự. Ký túc vi tu hành chi chướng, thả khủng vi pháp môn chi hại.” Những chuyện rất kỳ lạ này thật sự khắp nơi đều có. Ở trong đạo tràng hiện nay của chúng ta cũng không thể tránh khỏi. Nhưng mà người trụ trì nếu như có chánh tri chánh kiến, thấy lạ mà không cho là lạ thì vô sự rồi. Giống như chúng ta ở trong pháp hội, có rất nhiều người đến chụp hình, sau khi rửa phim âm bản ra, nhìn thấy có phát hào quang, có hiện ra những hiện tượng khác, hình ảnh tôi đã xem qua, hình chụp không thể nghĩ bàn, đem đến cho tôi xem, tôi lập tức xé đi, vứt vào trong sọt rác, không nên cho người khác xem, không nên đem cái này đi tuyên truyền “chỗ này của chúng tôi có cảm ứng”, không phải là sự việc tốt. Bạn nên biết, học Phật vừa mới nói rồi, vô lượng pháp môn là tu cái gì vậy? Là tu định. Định là gì vậy? Tâm thanh tịnh. Bạn nhìn thấy cái hiện tượng này, vừa sinh tâm hoan hỷ, thì tâm thanh tịnh của bạn bị phá hoại, đây không phải ma là gì chứ? Mỗi người sau khi nhìn thấy rồi, tâm vẫn là thanh tịnh, như chẳng có việc gì, thế thì được, cái đó thì được. Mọi người hiện nay không có cái công phu này, sau khi nhìn thấy rồi tâm liền động rồi, đây là ma đến phá hoại đạo tràng, không được phép không biết, đây không phải tướng lành. Nếu như người trụ trì, người trụ trì đạo tràng không có chánh tri chánh kiến, đem cái này để khoe khoang, cái đạo tràng này của tôi có cảm ứng, Phật Bồ-tát có linh nghiệm, ngay cả pháp môn cũng phá hoại rồi, thế thì thật đáng tiếc. Những việc rất kỳ lạ, chúng ta biết có, không phải giả, thật sự là có. Nhưng mà phải biết nó là sự việc như thế nào, chúng ta cần đem nó làm cho rõ ràng, minh bạch, không bị nó hại.


Việc chúng ta tu là tâm thanh tịnh, điều chúng ta cầu là vãng sanh thế giới Cực-lạc, cái sự việc này mọi người cần chú ý. Nếu chúng ta muốn ở trong đời này đạt được kết quả, nhất tâm bất loạn có đạt được hay không, nói lời thành thật không có quan hệ, không quan trọng. Quan trọng ở chỗ nào vậy? Niệm niệm cầu sanh thế giới tây phương Cực-lạc, cái mong cầu này quan trọng. Cũng chính là nói chúng ta cái hy vọng này, cái nguyện cầu này của chúng ta quan trọng, đây là Phật trong kinh nhiều lần nói với chúng ta, có thể vãng sanh hay không ở chỗ có tín nguyện hay không. Có thể thấy cái nguyện này quá quan trọng. Bạn được nhất tâm, bạn vãng sanh phẩm vị cao, không được nhất tâm vãng sanh phẩm vị thấp. Nhưng mà phải biết, cho dù niệm Phật niệm đến nhất tâm bất loạn, nếu như ý nghĩ cầu vãng sanh của bạn không khẩn thiết, vẫn là không thể vãng sanh, thế thì đáng tiếc biết bao. Cho nên chúng ta nhất định phải đem cầu vãng sanh đặt lên hàng đầu, cái này mới là việc quan trọng, cần đem cái thân tâm thế giới này thảy đều buông xả, như vậy cầu sanh tây phương Tịnh độ bạn mới có phần nắm chắc. Vãng sanh có phần nắm chắc, ai có phần nắm chắc vậy? Ai buông xả được, người đó có phần nắm chắc. Không buông xả, thì không chắc chắn, nhất định phải buông xả. Cho nên đối với thần thông cảm ứng, thậm chí là nhất tâm đều không cần phải để ở trong tâm. Tín nguyện trì danh thành thật niệm là tốt, con đường cầu sanh Tịnh độ của chúng ta, mới thật bình an, mới thật vững chắc.


Cái khó của Phật pháp chính là bạn không chịu buông xả, lập tức buông xả, lập tức liền được, đây là chỗ dễ dàng của Phật pháp. Bạn không chịu buông xả thế liền khó ngay. Chúng ta vô lượng kiếp học Phật chính là bởi vì không nỡ buông xả, khó là ở chỗ này.


Phật ở trong kinh nhiều lần dặn dò đệ tử. Ở trong đệ tử có rất nhiều người đều là đầy đủ thần thông. Không cần nói Bồ-tát, A-la-hán 6 loại thần thông đều đầy đủ, cho dù ngay cả sơ quả Tu-đà-hoàn tiểu thừa, Tu-đà-hoàn có thiên nhãn thông, có thiên nhĩ thông. 6 loại thần thông họ đã được hai cái. Cái mà phàm phu chúng ta không nhìn thấy, họ có thể nhìn thấy. Mắt phàm chúng ta không nhìn thấy quỷ thần, nếu như chứng quả Tu-đà-hoàn, họ có thể nhìn thấy quỷ thần. Tuy có thần thông mà quyết không dùng thần thông làm Phật sự. Sao gọi là dùng thần thông làm Phật sự vậy? Quyết không dùng thần thông để tiếp dẫn chúng sanh, để dẫn dụ chúng sanh, Phật không cho phép đệ tử làm như vậy. Tại sao vậy? Ở trong đây tai hại rất nhiều. Bởi vì yêu ma quỷ quái cũng có thần thông. Nếu như dùng thần thông làm Phật sự, thần thông để tiếp dẫn đại chúng, vậy thì yêu ma quỷ quái cũng đều biến thành Phật Bồ-tát, thế là Phật Bồ-tát với yêu ma quỷ quái là không có cách gì biện biệt được. Hiện nay ở trong cửa Phật chúng ta vấn đề rất nghiêm trọng, tức là đem những thần thông cảm ứng này để tiếp dẫn đại chúng, đây là đã phạm đại giới, đã phạm đại kiêng kỵ. Cửa Phật dùng phương pháp gì để tiếp dẫn đại chúng vậy? Dùng giảng kinh thuyết pháp. Yêu ma quỷ quái không thể giảng kinh thuyết pháp, họ có thể hiện thần thông, họ không thể giảng kinh thuyết pháp. Đạo lý ở chỗ nào vậy? Tâm họ không thanh tịnh, tri kiến không chánh. Chư Phật Bồ-tát tâm địa thanh tịnh, chánh tri chánh kiến, cho nên dùng cái này để hoằng pháp lợi sinh, đây là điều mà yêu ma quỷ quái không có cách gì bắt chước được. Nếu như dùng thần thông họ có thể giả mạo, chúng ta rất khó biện biệt. Chỉ có tâm thanh tịnh, chánh tri chánh kiến, đây là điểm mà yêu ma quỷ quái không có. Cho nên cho dù thần thông của mình hiện tiền, cũng không dùng thần thông, cũng không hiển thần thông. Có cũng như không có, không nên khoe khoang với người khác, để tránh người ta tạo khẩu nghiệp, cái đó có hậu họa, có di chứng về sau. Cái đạo lý, sự thật này, bất kể bản thân chúng ta có thông hay không, đều phải hiểu rõ, tuân thủ lời giáo huấn của Phật.


Chúng ta ở trong Kinh Vô Lượng Thọ, ở trong 48 nguyện, nếu như người cẩn thận một chút, sau khi đọc rồi nhất định có nghi vấn. Có hai loại người không có nghi vấn; một loại là người có phước báo, không phân biệt, không chấp trước. Một loại là người lơ là cẩu thả, tâm quá thô rồi, không lưu ý. Trong kinh nói: Phàm là người sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, chúng ta biết thế giới Tây Phương có tứ độ tam bối cửu phẩm. Mà người đi vãng sanh, trên đến Bồ-tát đẳng giác Văn Thù, Phổ Hiền đều phát nguyện cầu vãng sanh, dưới đến chúng sanh địa ngục. Vậy là chứng tỏ những người vãng sanh đó là vô cùng không bình đẳng, khác nhau quá lớn quá lớn rồi. Và thế giới Cực lạc lại nói với chúng ta tứ độ tam bối cửu phẩm. Nhưng mà ở trong nguyện văn nói, tất cả người vãng sanh này về thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là bình đẳng. Thân bình đẳng đều là tử ma chân kim sắc thân. Tướng bình đẳng, trí tuệ bình đẳng, thần thông bình đẳng; thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, lậu tận thông, thần túc thông, không có cái nào không bình đẳng. Vậy sao không khiến người ta hoài nghi được? Bạn đọc xong loại kinh văn này bạn không hoài nghi đó mới gọi là kỳ lạ. Hoài nghi là chuyện đương nhiên. Đương nhiên Phật ở trong kinh nói rõ ràng với chúng ta. Tại sao nó bình đẳng vậy? Vốn dĩ không bình đẳng, về thế giới Tây Phương rồi thì thảy đều bình đẳng. Tất cả Bồ-tát về thế giới Tây Phương đều là Bồ-tát A-duy-việt-trí. Bồ-tát A-duy-việt-trí, chúng ta thông thường nói viên chứng tam bất thối. Viên chứng tam bất thối thông thường nói thất địa trở lên. Lên đến đâu vậy? Lên đến đẳng giác. Sinh về thế giới Tây Phương Cực lạc có phải giống như Bồ-tát thất địa không? Không phải. Thất địa còn kém xa. Đẳng giác, quả thật sự là đẳng giác, họ mới bình đẳng với Phật. Cho nên cái nơi đó là pháp giới bình đẳng. Cái bình đẳng đó không phải do chúng ta tu được. Nếu dựa vào chúng ta tu được, thế thì khó khăn, thời gian rất dài. 3 đại a-tăng-kỳ-kiếp, vô lượng kiếp. Bình đẳng từ đâu mà có vậy? Là do bổn nguyện uy thần của Phật A-Di-Đà gia trì, là như vậy mà có. Không phải tự mình tu mà được, là do Phật lực gia trì. Chúng ta muốn hỏi, Phật A-Di-Đà đâu có thần lực lớn như vậy? Điều này cũng có thể khiến người ta hoài nghi. Tại sao Phật bổn sư Thích Ca Mâu Ni của chúng ta không gia trì chúng ta? Tại sao nguyện lực, thần lực của Phật A-Di-Đà lại lớn như vậy? Cái chỗ này nếu như là nghiên cứu kỹ Kinh Vô Lượng Thọ, bạn sẽ sáng tỏ ngay. Bổn nguyện Di-đà gia trì là hiển thuyết, là hiển hiện, ở trong âm thầm thì không thể nghĩ bàn. Ở trong âm thầm, thập phương thế giới, tất cả chư Phật Như-lai, thảy đều gia trì Phật A-Di-Đà, thảy đều gia trì cái người vãng sanh đó. Hay nói cách khác, niệm Phật vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn là được tận hư không khắp pháp giới, 10 phương 3 đời tất cả chư Phật Như-lai gia trì, sự việc nó là như vậy. Cho nên Thế Tôn hết lòng đắng miệng khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ở trong kinh Di-đà 4 lần khuyến khích, hết lần này đến lần khác. Phật là từ bi đến cực điểm. Chúng ta hiểu rõ cái đạo lý này, sáng tỏ cái sự thật này, vậy mới không hoài nghi, vậy mới chịu quyết một lòng một dạ thành thật niệm Phật, mới chịu buông xả vạn duyên một đời thành tựu.


Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói chúng sanh ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, được uy thần bổn nguyện của Phật A-Di-Đà gia trì, thiên nhãn thấy suốt, thiên nhĩ nghe thấu, tâm họ biết khắp. Họ là tất cả chúng sanh trong tâm khởi tâm động niệm họ không có gì không biết, với cái chỗ này nói là hoàn toàn giống nhau, cùng một cái cảnh giới. Từ đó cho thấy, sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, nói thực ra tuy chưa thành Phật cũng như thành Phật rồi. Trong kinh nói: “Giai tác A-duy-việt-trí Bồ-tát”. Cái A-duy-việt-trí đó là A-duy-việt-trí thượng phẩm, không phải trung hạ phẩm. A-duy-việt-trí hạ phẩm là Bồ-tát thất địa. Thượng phẩm là Bồ-tát đẳng giác. Nó không phải nói hạ phẩm, là thượng phẩm. “Cố năng sở ưng bất mậu”. Mậu là nhầm lẫn. Chúng sanh có cảm, Phật liền ứng. Cái ứng đó là vừa đúng tốt, đúng mức, một chút lỗi lầm cũng không có. Đây là chúng ta nói đến Bồ-tát độ chúng sanh, nói thực ra là rất khó nói. Bồ-tát độ chúng sanh, là giống như thầy thuốc xem bệnh cho người ta vậy. Bệnh nhân mà trong đời thầy thuốc khám, tất nhiên có không ít người đã được họ trị khỏi bệnh, nhưng mà cũng có bệnh nhân do họ không cẩn thận trị người ta bị chết, dùng sai thuốc. Có vị thầy thuốc nào dám nói, ở trong một đời không có kê toa nhầm cho bệnh nhân, không có cho thuốc sai chứ? Họ không dám nói. Giống như vị quan tòa ra tuyên án vậy. Có vị quan tòa nào dám nói, những vụ án mà trong đời tôi phán quyết, không có phán oan một người nào, không dám nói. Bồ-tát độ chúng sanh cũng lại như vậy. Cho nên chúng ta phải thận trọng, phải cẩn thận. Ở trong Bồ-tát có vị cao siêu, có vị không cao siêu. Vị không cao siêu thì sẽ có sai lầm, vị cao siêu không có sai lầm. Như thế nào là cao siêu vậy? Bồ-tát minh tâm kiến tánh, pháp thân đại sĩ, họ có thể nói tuyệt đối sẽ không kê toa sai, tuyệt đối sẽ không dùng sai thuốc, có thể nói như vậy. Nếu không phải pháp thân đại sĩ, Bồ-tát đã chứng được chánh giác, được, người này có thể tin cậy được. Loại này gọi là quyền giáo Bồ-tát, giống như A-la-hán tiểu thừa, Bích chi Phật, kiến tư phiền não đoạn rồi. Chỗ họ chứng được là chánh giác, không sai. Nếu chúng ta gặp được loại Bồ-tát này học Phật với họ, mặc dù học có nhầm lẫn, là nhầm lẫn nhỏ, không có nhầm lẫn lớn. Hay nói cách khác, sẽ không hại chúng ta, nhưng mà có thể dây dưa lỡ việc một chút, điều này có thể. Ví dụ nói, cái bệnh này của bạn nếu như trị liệu rất như pháp, thì trong một tuần là khỏi. Họ trị liệu không thật thỏa đáng, kéo dài bạn đến hai tuần mới khỏi, cái tình hình này có. Nhưng mà họ nhất định sẽ trị khỏi cho bạn, thời gian kéo dài một chút mà thôi, khiến bạn chịu khổ thêm mấy ngày, có loại khả năng này, sẽ không hại bạn. Nếu như vị Bồ-tát này ngay cả chánh giác cũng chưa có chứng được, thế thì nguy hiểm rồi. Họ giống như phàm phu chúng ta vậy, đầy đủ tứ tướng tứ kiến, vẫn còn thị phi nhân ngã, tham sân si mạn. Nếu như bạn mời họ trị bệnh thì khá nguy hiểm. Nếu họ không đem bạn tiễn vào địa ngục A-tỳ, có lẽ ngạ quỷ, súc sanh có thể cũng có phần, cái này rất phiền phức. Là giống như lời Thế Tôn nói trong Kinh Lăng Nghiêm: Thời kỳ mạt pháp: “Tà sư thuyết pháp, như Hằng hà sa”, đây là thật, là sự thật. Cho nên chúng ta học Phật phải gần gũi thiện tri thức. Nhưng mà ngày nay cái thế giới này ai là thiện tri thức? Càng là thiện tri thức chân chánh, họ càng khiêm tốn, càng không thừa nhận, điều này chúng ta rất khổ. Vào thời xưa thiện tri thức rất dễ dàng biện biệt, trên đại thể vẫn không khác biệt. Vào thời xưa người nào là thiện tri thức vậy? Người bế quan là thiện tri thức, người ở am tranh là thiện tri thức, bạn đi tìm họ quyết định không sai. Bởi vì trước đây bế quan, ở am tranh là có điều kiện. Nếu như chưa có khai ngộ, thì không có tư cách bế quan, không có tư cách ở am tranh. Chúng ta vừa mới nêu một cái ví dụ. Thiện Tài Đồng Tử tại sao vẫn phải đi 53 tham vậy? Tại sao ông không bế quan? Khi bế quan là nói cho thiên hạ biết, tôi đã tốt nghiệp rồi, tôi không cần phải học nữa. Thiện Tài Đồng Tử vẫn phải học tiếp, vẫn phải cầu học khắp nơi, thì sao có thể bế quan được? Sao có thể ở núi được? Vào thời xưa khi bế quan, khi ở núi, là cũng như tuyên bố với mọi người, tôi đã tốt nghiệp rồi, tôi không còn gì để học nữa. Đóng cửa ở núi là gì vậy? Là đầu sào trăm trượng, tiến thêm một bước nữa, họ cần nỗ lực dụng công tu hành, họ đến quả vị vô học rồi. Chúng ta còn cầu học, tìm họ làm thầy không có vấn đề. Nhưng mà hiện nay cái tiêu chuẩn này không còn nữa, người này mới vừa xuống tóc liền bế quan rồi, cái gì cũng không biết họ đã bế quan rồi, cái phiền phức này lớn rồi. Hiện nay tiêu chuẩn không còn nữa, bế quan cũng không thể tin cậy được, ở núi càng không thể tin cậy được, cái sự việc này là vô cùng vô cùng khó khăn. Ở thời kỳ mạt pháp, nói thật sự cái biện pháp duy nhất chúng ta tìm một vị chân thiện tri thức, chỉ có Phật A-Di-Đà, có lẽ cái này không sai. Ngài chỉ dạy chúng ta thành thật niệm một câu A-Di-Đà Phật là được, cái cách này sẽ không sai, sẽ không hại người. Quả thật có thể như lý như pháp thành thật niệm, quyết định thành công, bệnh gì cũng trị được, cái phương pháp này hay. Đây là ân đức vô lượng của Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A-Di-Đà đối với chúng sanh thời mạt pháp, đã để lại một cái phương pháp như vậy, cái phương pháp này sẽ không sai.


Cái mà chư Phật Bồ-tát có thể giúp đỡ chúng ta chính là tăng thượng duyên. Trong Kinh Đại Thừa nói duyên có 4 loại; Thân nhân duyên, sở duyên duyên, vô gián duyên, tăng thượng duyên. Có thể thấy chúng sanh muốn được độ thì 4 duyên phải đầy đủ. Ở trong 4 duyên chư Phật Bồ-tát có thể giúp chúng ta chỉ là một cái tăng thượng duyên, 3 cái duyên khác phải tự mình đầy đủ, thiếu một cái cũng không được. Thân nhân duyên, không có vấn đề. Thân nhân duyên là gì vậy? Chân như bản tánh. Cũng chính là trong kinh nói: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phật tánh là thân nhân duyên làm Phật của chúng ta, cái này không có vấn đề, thân nhân thành Phật chúng ta có. Hai cái duyên khác là mấu chốt chúng ta có thể thành tựu hay không. Tăng thượng duyên. Tăng thượng duyên là Phật dạy cho chúng ta phương pháp làm Phật, giảng giải cho chúng ta lý luận làm Phật, đây là Phật ở trong kinh dạy chúng ta, đây là tăng thượng duyên, giúp cho chúng ta ở bên ngoài. Sau khi chúng ta nghe xong, học xong, tự mình phải có “Sở duyên duyên”. Sở duyên duyên là gì vậy? Cái mà trong kinh gọi là “Thọ trì độc tụng, vị nhân diễn thuyết”, đây là sở duyên duyên. Sở duyên duyên cũng là sau cùng kinh điển gọi là: “Tín thọ phụng hành”, đó là sở duyên duyên. Chúng ta có phải thật sự làm được hay chưa? Đầy đủ sở duyên duyên, còn có một cái điều kiện nữa là “Vô gián duyên”, không được gián đoạn, cần phải bền chí, phải có nghị lực. Bạn đầy đủ sở duyên duyên, đầy đủ vô gián duyên, bạn thành công rồi, 4 duyên đầy đủ rồi. Tất cả điều kiện thành Phật của bạn cái gì cũng không thiếu. Chúng ta ngày nay tu hành không thể thành tựu, xin thưa với quý vị thiếu hai cái duyên. Thân nhân duyên có, đây là trên lý luận có, không có vấn đề. Tăng thượng duyên có. Chúng ta nghe kinh, nghe pháp, đọc kinh, niệm Phật. Là thiếu cái gì vậy? Sở duyên duyên không có. Chỗ mà chúng ta duyên theo vẫn là duyên theo ngũ dục lục trần, vẫn là duyên theo thị phi nhân ngã, làm những việc này. Không có duyên theo Phật pháp, cho nên chúng ta sở duyên duyên không có, vô gián duyên không có. Vô gián duyên là không gián đoạn. Chúng ta mỗi ngày niệm Phật tu hành, hai giờ đồng hồ là tốt rồi, vẫn còn 22 giờ gián đoạn, cho nên bạn không thể thành tựu. Chúng ta ngày nay không thể thành tựu là ở trên hai duyên này có vấn đề. Nếu như trên hai cái duyên này mọi người thật sự nắm vững, không có vấn đề thì đâu có đạo lý nào không thành tựu được. Cho nên phải biết, tất cả chư Phật Bồ-tát, thiện tri thức đối với chúng ta chỉ là tăng thượng duyên mà thôi. Chúng ta ngày nay niệm Phật, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc bất thối thành Phật, cái mà Phật A-Di-Đà, tất cả chư Phật gia trì chúng ta, cho chúng ta là gì vậy? Tăng thượng duyên mà thôi. Cũng là tăng thượng duyên. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Phật A-Di-Đà là do ở trong tự tánh chúng ta biến hiện, đây là chúng ta đầy đủ thân nhân duyên. “Tự tánh Di-Đà, duy tâm Tịnh Độ” đây là ở trong tự tánh có, đây là thân nhân, chúng ta có phần. Chúng ta có thể vãng sanh hay không vậy? Vẫn là hai duyên này. Có thành thật niệm Phật hay không? Bí quyết niệm Phật, là không hoài nghi, không xen tạp, đó là sở duyên duyên. Không gián đoạn, đó là vô gián duyên. Bạn có thể thật sự làm được không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn thì quyết định vãng sanh. Tại sao vậy? 4 duyên đầy đủ. Lý sự đều làm rõ ràng, thì chúng ta có phần nắm chắc rồi, vãng sanh thật sự có phần nắm chắc. Không những có phần nắm chắc, muốn đi lúc nào là có thể đi lúc đó. Bạn nói tự tại biết bao. Bạn nói cái này tự tại biết bao! Phật độ chúng sanh chỉ chẳng qua làm tăng thượng duyên cho chúng sanh.

Comments Off on Chân Tín – Thiết Nguyện – Niệm A Di Đà Phật – Cầu Sanh Tịnh Độ